Khi ăn đồ lạ đi ngoài, bệnh gì?

Cháu năm nay 23 tuổi, cháu rất hay bị đau bụng, trướng hơi, mỗi khi ăn đồ lạ thì lại bị đi ngoài. Thỉnh thoảng cháu cũng bị đau nhói vùng bụng dưới. Xin hỏi bác sĩ như thế có phải viêm đại tràng? Có cần uống thuốc hay chế độ ăn cần lưu ý gì? Cháu xin cảm ơn!

Đỗ Thu Hương (Hà Nam)

Khi ăn đồ lạ đi ngoài, bệnh gì?

Viêm đại tràng là bệnh thường gặp. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống không hợp vệ sinh, thức ăn khó tiêu, thức ăn ôi thiu gây tổn thương niêm mạc đại tràng; do nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, có thể do bệnh tự miễn; Rối loạn thần kinh thực vật (lúc đầu là rối loạn chức năng về sau thành tổn thương viêm loét…). Triệu chứng thường gặp của viêm đại tràng bao gồm: Đại tiện nhiều lần trong ngày, rối loạn tiêu hóa kéo dài; Táo lỏng xen kẽ, phân thường nát và không thành khuôn; Bụng trướng hơi, căng tức và khó chịu dọc khung đại tràng; Đau bụng âm ỉ ở phần dưới của bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng khi ăn, trước khi đi đại tiện; Dị ứng đồ ăn, dễ bị đau bụng, trướng hơi, đi ngoài sau khi ăn những món ăn nhiều dầu mỡ, chua cay, các chất kích thích hoặc có cồn… Việc sử dụng thuốc tân dược chủ yếu để khắc phục các triệu chứng (chữa đi ngoài, giảm co thắt ruột, giảm đau…). Bệnh viêm đại tràng mạn có thể nặng thêm nếu bệnh nhân có những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, lo âu… Trường hợp của bạn cần khám chuyên khoa tiêu hóa; Nếu có thể, nên nội soi đại tràng để tìm nguyên nhân. Những lưu ý cần thiết trong ăn uống với bạn để giúp cho việc điều trị và tình trạng đau có thể giảm thiểu: nên ăn đồ hấp hoặc luộc, hạn chế xào, rán. Bạn cũng cần tránh các chất kích thích như cà phê, chocolate, trà, nước uống có ga…

BS. Trần Quang Nhật